Đà phục hồi kinh tế của Việt Nam tiếp tục được duy trì trong tháng 8

Số liệu vĩ mô tháng 8 tiếp tục cho thấy xu hướng hồi phục luân phiên. SSI Research duy trì quan điểm tăng trưởng GDP có khả năng vượt mục tiêu của chính phủ, và trọng tâm chính sách có thể tập trung hơn vào ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tiêu dùng nội địa.

Theo Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế tháng 8/2024 của Chứng khoán SSI, số liệu vĩ mô tháng 8 tiếp tục cho thấy xu hướng hồi phục luân phiên.

Sản xuất chế biến chế tạo tiếp tục đà mở rộng ở cả chỉ số sản xuất công nghiệp hay xuất khẩu. Tiêu dùng chưa có sự bứt phá, tuy nhiên tín hiệu tích cực ban đầu xuất hiện ở nhập khẩu mặt hàng tiêu dùng hay sản lượng sản xuất ô tô/xe máy trong tháng 8. FDI tiếp tục xu hướng khả quan trong khi tỷ lệ giải ngân đầu tư công cải thiện hơn trong tháng 8.

Lạm phát hạ nhiệt và cho thấy tác động của cải cách tiền lương là không đáng kể. Tỷ giá hạ nhiệt trong tháng 8 và NHNN có động thái tích cực hơn trong việc điều hành chính sách tiền tệ. Lãi suất trên cả thị trường 1 và thị trường 2 đều khá ổn định.

Đà phục hồi kinh tế của Việt Nam tiếp tục được duy trì trong tháng 8

Sản xuất chế biến chế tạo hạ nhiệt

Theo báo cáo của SSI Research, số liệu SXCN trong tháng 7 được điều chỉnh giảm nhẹ, chủ yếu là do ngành khai khoáng và sản xuất, phần phối điện trong khi ngành chế biến chế tạo tăng nhẹ lên 13,8% svck, từ mức ước tính là 13,3%.

Cả chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP), PMI và xuất khẩu trong tháng 8 đều thể hiện sự tích cực, cho thấy nhóm doanh nghiệp FDI vẫn đang là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời điểm này. Tuy nhiên, hiệu ứng mức nền thấp sẽ không còn rõ rệt trong nửa cuối năm và do vậy tốc độ tăng trưởng trong ngành sản xuất được kỳ vọng sẽ hạ nhiệt dần.

Đà phục hồi kinh tế của Việt Nam tiếp tục được duy trì trong tháng 8

Hoạt động thương mại tiếp tục phục hồi tốt với mức tăng trưởng 2 con số trong tháng 8. Nhập khẩu (+12,4% svck) chậm lại so với xuất khẩu (+14,5% svck) khi mùa cao điểm đã qua và cán cân thương mại thặng dư 19 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm.

Các nhóm ngành ghi nhận mức tăng trưởng tích cực ở cả chỉ số sản xuất công nghiệp và xuất khẩu trong tháng 8 là máy móc, thiết bị (+30,7%), điện tử (+27,3%), giày dép (+20,7%) và dệt may (+17%).

Tiêu dùng trong nước chưa bứt phá

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ (theo giá hiện hành) tăng 7,9% svck trong tháng 8 (8 tháng đầu năm 2024: 8,5% svck), nhưng do lạm phát vẫn ở mức cao, mức tăng sau khi loại trừ lạm phát trong 8 tháng đầu năm 2024 chỉ ở mức 5,3% svck (8 tháng đầu năm 2023: 8,0%).

Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa chỉ tăng 4,6% svck nếu đã loại trừ lạm phát, thấp hơn so với mức tăng trưởng trung bình trước Covid.

Điểm tích cực và có thể là tín hiệu sớm cho sự trở lại của tiêu dùng nội địa đến từ tăng trưởng nhập khẩu hàng tiêu dùng (8 tháng +16,3% svck), và sự gia tăng trong sản lượng sản xuất ô tô và xe máy (+8,0%).

Về du lịch, số lượng khách du lịch quốc tế tương đối tích cực (1,5 triệu lượt khách), một phần nhờ kỳ tính toàn dài hơn so với tháng trước và một phần nhờ mùa thấp điểm có thể sắp kết thúc.

Số liệu về lượng khách du lịch đến các điểm du lịch trong đợt nghĩ lễ 2/9 vừa qua cho thấy xu hướng tiêu dùng thận trọng vẫn duy trì, khi các điểm đến thông qua đường bộ vẫn được ưa chuộng hơn so với đường hàng không.

Giải ngân vốn FDI tích cực, giải ngân đầu tư công chưa bứt phá

Giải ngân FDI trong 8 tháng đầu năm đạt 14,15 tỷ USD – tăng 8,0% svck và phần lớn giải ngân vào lĩnh vực chế biến chế tạo (80% tổng vốn giải ngân).

Tổng vốn đăng ký cấp mới và điều chỉnh 8 tháng đầu năm đạt 17,7 tỷ USD, tăng 22% svck trong đó các dự án từ Trung Quốc và Hồng Kong chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng vốn đăng ký (đạt 580 triệu USD).

Đà phục hồi kinh tế của Việt Nam tiếp tục được duy trì trong tháng 8

Còn theo thông tin từ Bộ Tài chính, ước giải ngân vốn đầu tư công trong 8 tháng đầu năm đạt 40,3% kế hoạch Thủ tướng. Mức giải ngân theo số tuyệt đối giảm khoảng 8,9% svck do mức nền cao trong năm 2023.

Tốc độ giải ngân chưa có sự bứt phá đến từ công tác giải phóng mặt bằng, thiếu nguyên vật liệu xây dựng, công tác phân bổ chi tiết kế hoạch vốn chậm hay nguồn thu ngân sách địa phương bị ảnh hưởng bởi thị trường bất động sản chững lại.

Các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng đang được tập trung đẩy mạnh với hàng loạt dự án mới sẽ được triển khai như Vành đai 5 ở Hà Nội, Vành đai 4 ở TP. HCM, dự án đường sắt Hải phòng – Hà Nội – Lào Cai và một số dự án cao tốc mới.

Đà phục hồi kinh tế của Việt Nam tiếp tục được duy trì trong tháng 8

Lạm phát hạ nhiệt, NHNN điều hành nới lỏng hơn khi tỷ giá hạ nhiệt

CPI tháng 8 xóa đi phần nào lo ngại về tác động của cải cách tiền lương lên lạm phát, khi CPI ổn định so với tháng 7 (+0,0%) và chỉ tăng 3,45% svck, giảm từ mức 4,4% trong tháng 7.

Lạm phát bình quân vẫn trong vùng kiểm soát (+4,04% svck). Lạm phát cơ bản tương tự cũng hạ nhiệt so với tháng 7 (tăng 0,24%, so với mức 0,36% trong tháng 7).

Đóng góp lớn nhất trong việc lạm phát hạ nhiệt tháng 8 đến từ nhóm giao thông khi giá dầu diezen (-7%) và giá xăng (-5,8%). Các mặt hàng cơ bản khác đều ghi nhận mức tăng không quá đột biến.

Tín dụng hệ thống tính đến cuối tháng 8 tăng 7,31% so với cuối năm 2023, tương đương mức tăng 15,7% svck, trong đó tăng trưởng tín dụng giữa các NHTM không có sự đồng đều.

Đà phục hồi kinh tế của Việt Nam tiếp tục được duy trì trong tháng 8

NHNN đã thông báo kể từ ngày 28/6, TCTD có tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt từ 80% chỉ tiêu NHNN đã thông báo đầu năm 2024 sẽ được chủ động điều chỉnh tăng thêm dư nợ tín dụng dựa trên cơ sở điểm xếp hạng của TCTD đó. Ước tính mức phần bổ thêm vào khoảng 2% – 2,3% cho các NHTM đã đạt mức tăng trưởng tín dụng khoảng 11% – 12% vào cuối tháng 8.

Trên kênh hoạt động thị trường mở, NHNN đã chủ động ngừng phát hành trên kênh tín phiếu và giảm lãi suất trên kênh mua kỳ hạn nhằm hỗ trợ thanh khoản.

Lãi suất thị trường 2 ổn định quanh 4,5% cho kỳ hạn qua đêm. Lãi suất huy động trên thị trường 1 gần như không có nhiều thay đổi trong tháng 8.

SSI Research kỳ vọng lãi suất huy động trên thị trường sẽ ổn định quanh vùng này, và có khả năng tăng nhẹ về cuối năm trong trường hợp nhu cầu tín dụng hồi phục.

Tỷ giá giảm mạnh

Tỷ giá USDVND liên ngân hàng, tỷ giá niêm yết tại các NHTM và tỷ giá tự do đều đồng loạt hạ nhiệt và thu hẹp mức tăng so với cuối năm 2023 xuống chỉ còn 1,5% tính đến ngày 6/9. Chênh lệch giữa tỷ giá thị trường tự do và niêm yết tại các NHTM gần như không đáng kể.

Đà phục hồi kinh tế của Việt Nam tiếp tục được duy trì trong tháng 8

NHNN lần đầu tiên kể từ tháng 4/2024 đã điều chỉnh giảm tỷ giá bán tại Sở GDNHNN, xuống mức VND 25.385 (từ mức 25.450 trước đó). Mặc dù tỷ giá mua tại Sở GD (VND 23.400) vẫn ở mức thấp hơn nhiều so với tỷ giá liên ngân hàng, trong bối cảnh đồng USD hạ nhiệt, chúng tôi không loại trừ khả năng NHNN sẽ tăng tỷ giá mua này (như giai đoạn cuối năm 2022) để có thể bổ sung thêm ngoại tệ cho dự trữ ngoại hối.

Đối với thị trường vàng, NHNN chủ động điều chỉnh giá vàng SJC niêm yết nhằm phù hợp với biến động giá vàng trên thế giới. Mức chênh duy trì quanh vùng 5 triệu đồng/lượng.

NHNN cho biết, trong thời gian tới, sẽ tổ chức tổng kết, đề xuất sửa đổi Nghị định 24/2012, trong đó có nội dung về quản lý sản xuất vàng miếng để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

 Trung Anh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *