Đường xuống cấp, sao còn bắt đóng phí?

Đơn cử, trong 11 tuyến cao tốc dự kiến thu phí, các DN phản ánh tuyến Hà Nội – Thái Nguyên nằm trong 7 tuyến cao tốc bị cảnh báo chưa đạt tiêu chuẩn an toàn đường cao tốc, trong đó từng xảy ra 15 vụ tai nạn giao thông (tính từ năm 2022 đến tháng 10.2023) do mặt đường xuống cấp làm cho người điều khiển phương tiện giao thông bị mất lái. Về lâu dài, chất lượng các tuyến đường có thể xuống cấp nếu không được duy tu, bảo trì thường xuyên, đặc biệt là các tuyến đường BOT khi hết thời hạn hợp đồng sẽ được bàn giao cho Nhà nước và tiếp tục được thu phí.

Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về các trường hợp tạm dừng thu phí, trong đó có trường hợp do chất lượng đường xuống cấp, không bảo đảm tốc độ và an toàn cho phương tiện lưu thông.

Đồng thời, VCCI đề nghị bổ sung thêm quy định cho phép các chủ phương tiện, đặc biệt là các hiệp hội DN vận tải, có quyền giám sát chất lượng đường và kiến nghị đến cơ quan quản lý về việc dừng thu phí khi chất lượng đường xuống cấp. Bên cạnh đó, cần có một cơ chế độc lập nhằm kiểm tra chất lượng đường và quyết định dừng hoặc tiếp tục thu phí khi hiệp hội DN và cơ quan quản lý tuyến đường không thống nhất được.

Trước đó, từ năm 2016 khi góp ý cho Dự thảo thông tư quy định về trạm thu phí sử dụng đường bộ, VCCI cũng đã đề nghị Bộ GTVT bổ sung quy định cho phép người dân và DN kinh doanh vận tải, DN có vận tải nội bộ quyền phản ánh, kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền tạm dừng thu phí. Đồng thời, cơ quan nhà nước phải kiểm tra thực tế, trả lời phản ánh kiến nghị và công khai quá trình kiểm tra thực tế.

Tiền nào của nấy, trả giá cao thì đường phải tốt

Thực trạng mà VCCI nêu ra không phải bất cập mới phát sinh. Hồi đầu năm, Khu Quản lý đường bộ II cũng đã báo cáo, kiến nghị Cục Đường bộ VN xem xét, quyết định tạm dừng thu phí BOT Bến Thủy (dự án nâng cấp, mở rộng QL1 đoạn từ nam cầu Bến Thủy đến phía bắc tuyến tránh TP.Hà Tĩnh) do đường xuống cấp. Chỉ sau thời gian ngắn đưa vào sử dụng, tuyến đường do Cienco 4 làm chủ đầu tư này đã xuất hiện tình trạng hư hỏng, gồ ghề, bong tróc mặt đường. Dẫu phía chủ đầu tư đã nhiều lần tiến hành khắc phục, nhưng mặt đường tuyến QL1 dài 35 km qua Hà Tĩnh và tuyến tránh TP.Vinh ngày càng xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.

Từ đầu năm 2023, Cục Đường bộ đã ban hành 1 thông báo và 5 công văn; Khu Quản lý đường bộ II, Văn phòng Quản lý đường bộ II.3 đã 4 lần kiểm tra hiện trường và gửi 25 công văn đến nhà đầu tư cũng như DN dự án – Chi nhánh BOT tuyến tránh TP.Vinh – kèm mốc thời gian đề nghị khắc phục các tồn tại trên tuyến nhằm đảm bảo mặt đường êm thuận, duy trì tuổi thọ công trình. Tuy nhiên, việc khắc phục còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa kịp thời, chưa đáp ứng mức độ hư hỏng thực tế. Công tác sửa chữa chưa triệt để, không đảm bảo yêu cầu về thời gian, chất lượng theo cam kết.

Đáng chú ý, mặc dù chất lượng công trình ngày càng tệ nhưng từ 0 giờ ngày 29.12.2023, giá vé đối với các phương tiện khi di chuyển qua lại trạm thu phí Bến Thủy 1 và Bến Thủy 2 đã được điều chỉnh tăng từ 8.000 – 23.000 đồng/phương tiện mỗi lượt. Việc tăng giá vé nhưng thực trạng mặt đường xuống cấp, gây mất an toàn giao thông trên toàn tuyến đã khiến dư luận bức xúc, cho rằng việc thu phí nhằm hoàn vốn cho chủ đầu tư chưa tương xứng với chất lượng tuyến đường mà người dân được hưởng.

Hay mới đây khi trạm BOT Phú Hữu (TP.Thủ Đức, TP.HCM) đưa vào thu phí với mức giá khá cao cũng kéo theo sự phản đối của người dân và tài xế. Không chỉ vì đoạn đường thu phí là độc đạo, đối tượng được miễn/giảm phí chưa hợp lý mà một phần còn vì tuyến đường Nguyễn Thị Tư (đoạn từ đường Nguyễn Duy Trinh đến đường Đặng Thanh Hiếu) thuộc dự án đã xuất hiện nhiều vị trí đọng nước, mặt đường tại một số vị trí bị hư hỏng, phần đường dành cho xe 2 bánh bị lấp bùn đất. Hệ thống vạch sơn phân làn trên đường mờ, thiếu; không đảm bảo khả năng khai thác, mất mỹ quan đô thị và mất an toàn giao thông trên tuyến đường này.

Một phần nguyên nhân do nhà đầu tư mất tới 12 năm để hoàn thành dự án và được cấp thẩm quyền cho phép thu phí hòa vốn nên khi người dân phải đóng phí cũng là lúc tuyến đường đã xuống cấp. Sở GTVT TP.HCM sau đó đã phải có công văn đề nghị Công ty CP Xi măng Vicem Hà Tiên (chủ đầu tư dự án) nhanh chóng sửa chữa, khắc phục những bất cập.

Đại diện Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM cho rằng phí cầu đường đang là gánh nặng lớn nhất đối với các DN vận tải. Xung quanh các cửa ngõ của TP.HCM, từ QL1 về Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh hay đi các tỉnh miền Tây đều có các trạm thu phí, đa phần nằm trên các đường độc đạo, gây tốn kém rất nhiều cho DN. Bên cạnh đó, các DN vận tải hiện nay còn rơi vào tình trạng phí chồng phí khi phải chịu cả phí bảo trì đường bộ cũng rất cao. Đóng phí cao nhưng hệ thống hạ tầng hiện hữu lại chưa đáp ứng được, ảnh hưởng rất nhiều đến hiệu quả kinh doanh của các DN. Tình trạng kẹt xe xảy ra liên miên, làm giảm đáng kể tỷ lệ quay đầu. Nhiều tuyến đường xuống cấp, gồ ghề, xe phải chạy chậm và đối mặt với rủi ro tai nạn hằng ngày.

“Người dân hay DN vận tải đều sẵn sàng trả tiền để được đi trên tuyến đường khang trang, rộng rãi, an toàn, tốc độ cao. Song phải theo đúng nguyên tắc: Tiền nào của nấy, trả tiền cao thì phải được hưởng giá trị tương xứng và có sử dụng dịch vụ thì mới trả tiền. Anh có thể lựa chọn trả tiền cao cho 1 bịch gạo ST25 vì hạt gạo dẻo hơn, thơm hơn. Anh có thể chấp nhận bỏ hàng trăm triệu đồng mua chiếc túi LV vì nó sang, nó tốt. Đường sá cũng là hàng hóa, dịch vụ, vậy tại sao bắt chúng tôi trả tiền nhưng lại phải dùng “hàng” chất lượng kém? Điều này là không công bằng”, vị đại diện Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM nhấn mạnh.

Theo Thanh Niên

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *