Đó là công bố từ kết quả điều tra xu hướng sản xuất, kinh doanh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Tổng cục Thống kê mới đây. Điều này cũng phù hợp với báo cáo của S&P Global khi cho rằng các nhà sản xuất đang có mức độ lạc quan mạnh nhất kể từ tháng 9/2022.
Những điểm sáng đáng ghi nhận
Trong 2 tháng đầu năm, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam đều đạt trên mốc 50, là mức tăng tổng thể của ngành. Báo cáo chỉ ra các yếu tố tạo tăng trưởng, bao gồm: số lượng lẫn sản lượng đơn hàng mới được cải thiện, giúp tăng việc làm, giá cả đầu ra tăng, tâm lý kinh doanh đạt mức cao. Mặc dù PMI có phần giảm nhẹ vào tháng 3, tuy nhiên cả ngành vẫn giữ được nhịp tăng trưởng trong quý I.
Trong đó, sản xuất công nghiệp nối dài đà tăng trưởng với giá trị tăng thêm là 6,18% so với quý I/2023, đóng góp tích cực vào GDP. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phát huy trở lại vai trò dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp và nền kinh tế, với mức tăng 6,98%.
Theo Bộ Công Thương, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 5,9%. Riêng tháng 3, IIP tăng tới 20% so với tháng trước và tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2023. Đáng nói, quý I/2024 chứng kiến sự khởi sắc của 54/63 địa phương có chỉ số IIP tăng trưởng, kéo theo tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến chế tạo thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2023.
Nếu PMI là chỉ số quan trọng phản ánh “sức khoẻ” nền kinh tế, thì chỉ số IIP cùng tỷ lệ tồn kho thấp đang khẳng định “sức khoẻ” ngành công nghiệp dần tốt lên. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn khó khăn, những nỗ lực trên cho thấy các doanh nghiệp sản xuất trong nước đã vững vàng hơn, có thể đối mặt và thích ứng tốt hơn với thách thức.
Điều này đã lý giải tâm lý lạc quan của các nhà sản xuất, doanh nghiệp trong nước. S&P Global Market Intelligence nhận định các nhà sản xuất đã ngày càng tin tưởng rằng sản lượng sẽ cải thiện ngay trong các tháng tới. Cụ thể, các doanh nghiệp tăng cường tuyển dụng, dự kiến tung ra các sản phẩm mới để thúc đẩy sản lượng. Đơn cử, trong năm 2024, Tập đoàn Thaco có kế hoạch tuyển dụng gần 15.000 nhân sự, sẵn sàng đón sóng phục hồi của thị trường.
Lý giải về những kết quả đạt được, Bộ Công Thương chỉ ra những yếu tố tác động gồm: Biện pháp hỗ trợ của Chính phủ, đầu tư công, triển khai dự án công nghiệp trọng điểm, đón dòng vốn FDI… đã giúp tăng năng lực sản xuất trong nước. Cùng với đó, các yếu tố khách quan như sự phục hồi của thế giới cũng tác động tích cực đến nền kinh tế mở của Việt Nam.
Việt Nam đang là điểm đến “nóng” của dòng vốn FDI, đồng thời có những bước tiến quan trọng trong việc trở thành nguồn cung ứng quốc tế, cho cả Mỹ và Trung Quốc. “Cùng với Ấn Độ, Việt Nam nổi lên như điểm đến tin cậy với lực lượng lao động dồi dào và ngày càng có trình độ cao hơn, sở hữu vị trí địa lý chiến lược, các hiệp định thương mại, cởi mở”, ông Nguyễn Quốc Thắng – chuyên gia nghiên cứu kinh tế châu Á tại Oxford Economics cho biết. Riêng trong 3 tháng đầu năm, Việt Nam đón được dòng vốn 6,17 tỷ USD, trong đó vốn đầu tư đăng ký mới là 4,77 tỷ USD, tăng gần 58% so với cùng kỳ 2023.
“Kết quả thu hút vốn FDI đăng ký trong quý I/2024 đã khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư vào Việt Nam và họ tiếp tục đưa ra các quyết định đầu tư mới, đầu tư mở rộng dự án hiện hữu tại Việt Nam”, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng (Tổng cục Thống kê) Phí Thị Hương Nga cho biết.
Bên cạnh đó, các chuyên gia kinh tế đều có đánh giá lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam. Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, cho biết đây là bước khởi đầu đáng khích lệ của năm 2024 cho ngành sản xuất của Việt Nam.
Lạc quan, hướng đến phát triển bền vững
Có một điều chắc chắn, Việt Nam đang hưởng lợi từ việc các tập đoàn đa quốc gia đang “tái định tuyến” chuỗi cung ứng toàn cầu. Chiến lược “Trung Quốc +1” sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP của Việt Nam vượt trội so với các quốc gia ASEAN khác, ít nhất đến năm 2030, theo Báo cáo Dự báo triển vọng kinh tế toàn cầu của ICAEW và Oxford Economics.
Dù có những điểm tích cực đáng ghi nhận, song các chuyên gia kinh tế cũng nhấn mạnh các doanh nghiệp Việt Nam vẫn cần nhìn nhận thực tế rằng mức tăng trưởng vẫn còn “khá nhẹ” và đang bứt phá trên nền giảm của năm 2023 đầy khó khăn.
Do đó, để thật sự đón được cơ hội, giữ chân các nhà đầu tư cũng như từ đây tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu một cách bền vững, Việt Nam cần có những nỗ lực rõ nét như: Tự nâng cấp chuỗi giá trị, cam kết tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi, tự do hoá một số lĩnh vực, đảm bảo hạ tầng điện năng lẫn kỹ thuật số.
Tại hội thảo Triển vọng kinh tế 2024 do Bloomberg Business Việt Nam tổ chức vào tháng 3 vừa qua, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) nhận định rằng, nhiều ngành hàng có hợp đồng xuất khẩu đến hết quý II, tuy nhiên, doanh nghiệp phải tiếp tục vận động, tìm kiếm khách hàng trong nửa cuối năm.
Có thể thấy, tính chủ động, nhanh nhạy sẽ trực tiếp tạo ra cơ hội cho doanh nghiệp. Đơn cử, đầu tháng 4, đoàn Tổng Lãnh sự quán Canada tại TP.HCM đã có buổi làm việc tại KCN Thaco Chu Lai, nhằm tìm kiếm doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn, uy tín để kết nối, tư vấn và giới thiệu đến các đối tác, doanh nghiệp Canada.
Với quy mô sản xuất lớn, lĩnh vực hoạt động đa ngành như sản xuất lắp ráp ôtô, cơ khí, linh kiện phụ tùng và cảng biển Chu Lai, Thaco và Thaco Industries được Tổng Lãnh sự Annie Dubé đề nghị xem xét việc đặt trụ sở văn phòng đại diện tại Canada nhằm đáp ứng nhu cầu lớn về máy móc ngành khai khoáng và thiết bị nông nghiệp tại nước này. Đồng thời, lãnh sự quán cũng đề xuất Thaco Industries tham gia Hội chợ Sản phẩm thiết bị khai khoáng tại Canada và kết nối với các doanh nghiệp chuyên về thiết bị nông nghiệp để tìm kiếm cơ hội hợp tác. Song song, trong năm 2024, tập đoàn này cũng có kế hoạch mở rộng xuất khẩu cung ứng hàng hóa cho các thị trường đầy tính cạnh tranh như khu vực Bắc Mỹ, mở thêm văn phòng đại diện ở châu Âu, Australia.
Cùng với đó, việc Thaco tập trung đầu tư vào hạ tầng, cảng biển tại Chu Lai sẽ đóng góp quan trọng vào giao thương thuận lợi, giảm chi phí và thu hút đầu tư nước ngoài. Điều này phù hợp với đề xuất của S&P Global rằng Việt Nam cần tiếp tục cải thiện thời gian giao hàng, giảm chi phí vận chuyển để tăng năng lực cạnh tranh.
Ở cấp độ vĩ mô, các chuyên gia kinh tế cho rằng Chính phủ cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh đặc biệt là các mặt hàng công nghiệp chủ lực; khơi thông dòng vốn; lĩnh vực tài chính cải thiện theo hướng minh bạch; đẩy mạnh giải ngân đầu tư công cùng những chính sách thuế phí và đơn giản hoá thủ tục đăng kiểm để thúc đẩy ngành ôtô; có chiến lược trong việc gia tăng giá trị trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong cho biết: “Năm 2024, Việt Nam sẽ đạt được dấu ấn mới trong phát triển công nghiệp chế tạo theo nghĩa là gia tăng hàm lượng giá trị, hàm lượng chế biến”.
Những sự chuẩn bị kỹ càng về năng lực, công nghệ, quy trình, sẵn sàng tham gia các hoạt động giao thương sẽ giúp doanh nghiệp Việt đón được làn sóng dịch chuyển toàn cầu. Từ đó, những chuyến tàu đưa hàng hoá “Made in Vietnam” sẽ rời cảng vươn ra biển lớn, nỗ lực tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, hướng đến triển vọng phục hồi và phát triển.
Theo Znews