Sớm chuẩn bị phương án điều chỉnh giá để kiểm soát lạm phát

ể kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra, Bộ Tài chính cho rằng cần chuẩn bị sớm phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, các dịch vụ công theo lộ trình thị trường.

Để thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát  theo mục tiêu Quốc hội đề ra và thực hiện lộ trình giá thị trường các dịch vụ công và mặt hàng do Nhà nước quản lý, từ đầu năm đến nay, Bộ Tài chính đã phối hợp với các Bộ ngành để tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tổ chức triển khai quyết liệt nhiều giải pháp như đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, nhất là đối với các mặt hàng chiến lược; chú trọng, tăng cường công tác quản lý, điều hành giá; chuẩn bị sớm phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, các dịch vụ công theo lộ trình thị trường.

Bên cạnh việc điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, Bộ Tài chính cũng tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, tổ chức, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều hành phù hợp.

Sớm chuẩn bị phương án điều chỉnh giá để kiểm soát lạm phát

Theo Bộ Tài chính, so với tháng 6, nhìn chung giá các mặt hàng trong tháng 7 cơ bản ổn định, nguồn cung hàng hóa dồi dào. Tính chung, 7 tháng đầu năm, mặt bằng giá hàng hóa diễn biến theo quy luật hằng năm, tăng vào dịp lễ Tết đầu năm và giảm dần và tương định ổn định các tháng tiếp theo.

Tuy nhiên, vẫn có một mặt hàng có biến động nhẹ như: Giá thịt hơi giảm do vào thời điểm mùa hè; thời tiết nóng nên nhu cầu của người tiêu dùng hạn chế và lượng tiêu thụ thịt heo tại bếp ăn của các trường học giảm do học sinh, sinh viên nghỉ hè; giá thóc gạo tại miền Nam giảm do vào vụ thu hoạch lúa  hè thu; và nhóm nhiên liệu trong nước có giá LPG tăng nhẹ, giá xăng dầu  tăng mạnh trong tuần đầu và quay đầu giảm trong các tuần tiếp theo diễn biến giá thế giới.

Trước đó, đại diện Tổng cục Thống kê cũng cho biết, việc tăng lương kể từ 1/7 đã không tác động lớn tới chỉ số giá tiêu dùng  (CPI) của tháng 7 vừa qua. Cụ thể, CPI tháng 7 tăng 0,48% so với tháng trước chủ yếu là do điều chỉnh giá xăng dầu  trong nước theo giá thế giới và nhu cầu sử dụng điện tăng rất cao vì là tháng hè nên đã tác động vào chỉ số giá điện  .

Ngoài ra, mức đóng bảo hiểm y tế cũng cũng được điều chỉnh theo mức lương cơ sở mới, và chỉ số giá nhóm thực phẩm và ăn uống ngoài gia đình tăng do là cao điểm hè làm chỉ số giá của các nhóm này tăng.

“Nếu tính bình quân 7 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước thì CPI tăng 4,12% vẫn làm trong mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra trong năm này là 4 – 4,5%”, đại diện Tổng cục Thống kê đánh giá.

Để kiểm soát lạm phát từ nay đến cuối năm, Tổng cục Thống kê cho rằng, các cơ quan chức năng cần phải tăng cường việc giám sát thực hiện công tác kê khai giá, công khai các thông tin về giá. Đồng thời, thanh tra kiểm tra việc thực hiện quy định theo luật giá và xử lý các hành vi về vi phạm.

“Sự minh bạch trong giá cả sẽ hạn chế được tình trạng té nước theo mưa, lợi dụng việc tăng lương để tăng giá bất hợp lý”, Tổng cục Thống kê nêu rõ.

Cùng với đó, các bộ ngành và địa phương cần kêu gọi doanh nghiệp tham gia vào các chương trình bình ổn giá, đặc biệt là doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp là đầu mối của các chuỗi cung ứng và  khuyến khích các siêu thị, trung tâm thương mại thực hiện chương trình giảm giá khuyến mại đồng hành với việc tăng lương để kích cầu người dân. Đối với mặt hàng thiết yếu của người dân cần phải cung ứng kịp thời để tránh hiện tượng tăng giá cả hàng hóa.

“Việc điều hành giá do nhà nước quản lý như dịch vụ giáo dục, y tế, giá điện sinh hoạt cần hết sức thận trọng trong mức độ và thời điểm điều chỉnh giá để tránh được lạm phát kỳ vọng kéo giá cả hàng hóa khác tăng theo”, Tổng cục Thống kê khuyến cáo.

 Trung Anh (T/H)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *