Trung Quốc đối mặt với áp lực xuất khẩu quý cuối năm

Hoạt động sản xuất phục hồi song lượng đặt hàng xuất khẩu mới sụt giảm là tín hiệu xấu với nhiều doanh nghiệp Trung Quốc.

Theo số liệu của Cục thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS), chỉ số nhà quản lý mua hàng sản xuất (PMI) tập trung vào nhóm doanh nghiệp lớn và quốc doanh, giảm từ 49,4 vào tháng 7 xuống 49,1 điểm.

Còn theo số liệu của Caixin – trang tin tức hàng đầu Trung Quốc, tập trung vào khối doanh nghiệp nhỏ mạnh về xuất khẩu, chỉ số PMI lạc quan hơn. Theo đó, PMI từ mức 49,8 điểm vào tháng trước lên 50,4 vào tháng 8, vượt qua dự báo của các nhà phân tích. Điều này cho thấy hoạt động sản xuất của nhóm doanh nghiệp nhỏ có dấu hiệu hồi phục.

Hiện nay, áp lực tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đè nặng lên lĩnh vực xuất khẩu trong bối cảnh tiêu thụ nội địa suy giảm và thị trường bất động sản khủng hoảng.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là đơn đặt hàng xuất khẩu mới trong 8 tháng lần đầu sụt giảm, sau dữ liệu xuất khẩu yếu hơn vào tháng 7, theo khảo sát của Caixin. Nhu cầu bên ngoài suy giảm khiến số đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm với tốc độ mạnh nhất kể từ tháng 11/2023. Điều này làm gia tăng lo ngại về hoạt động xuất khẩu khi mùa bán hàng sôi động nhất vào dịp Giáng sinh đang cận kề.

Đồng thời, giá xuất xưởng hàng hóa đã giảm mạnh nhất trong 14 tháng cũng cho thấy nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm giá bán để có được đơn đặt hàng.

Hiện tại, Bắc Kinh vẫn tỏ ra thận trọng với chính sách tài khóa sau hàng loạt vụ vỡ nợ bất động sản. Một số biện pháp nhằm phục hồi nhu cầu trong nước không hiệu quả trong việc thúc đẩy tăng trưởng, do đó các chuyên gia cho rằng chính phủ Trung Quốc cần thêm nhiều biện pháp kích thích.

Wang Zhe, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Caixin Insight Group, nhận định: “Thách thức để ổn định tăng trưởng trong những tháng tới sẽ rất lớn. Trung Quốc ngày càng cần phải tăng cường hỗ trợ chính sách”.

Với tình hình hiện tại, các nhà kinh tế tại những ngân hàng bao gồm UBS Group AG và JPMorgan Chase & Co. dự đoán Trung Quốc khó đạt mục tiêu tăng trưởng 5% cả năm. Còn các nhà kinh tế của Goldman Sachs Group Inc cho rằng Trung Quốc cần nới lỏng tài khóa hơn nữa để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng cả năm “khoảng 5%”.

Chuyên gia Chang Shu và Eric Zhu của Bloomberg chung nhận định giới chức nước này cần nhiều chính sách hỗ trợ hơn cho nền kinh tế. Chi tiêu của chính phủ sẽ phải là đòn bẩy chính để nâng tổng cầu, và cần được tăng tốc.

Quỳnh Trang (theo SCMP, Bloomberg)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *