Nhiều “đại bàng” Đài Loan đã đầu tư vào Việt Nam trong thời gian qua. Giờ là lúc có thể tận dụng cả “bồ câu và chim sẻ”.
Một số tập đoàn điện tử – công nghệ của Đài Loan, như Foxconn, Compal… đã xuất hiện tại Việt Nam từ những năm 2007. Ảnh: Đức Thanh |
Tiên phong khai phá thị trường
Đài Loan, có thể nói, là một trong những nhà đầu tư bên ngoài đến Việt Nam sớm nhất, thậm chí, từ năm 2010 trở về trước, còn là nhà đầu tư bên ngoài lớn nhất tại Việt Nam.
Trong giai đoạn đầu thập niên 90, Việt Nam – khi đó mới mở cửa, với ưu thế nổi trội nhất là nguồn lao động dồi dào, cần cù, khéo léo – đã thu hút được nhiều doanh nghiệp Đài Loan lớn. Chẳng hạn, trong ngành dệt may có Eclat, New Wide, Far Eastern…; ngành da giày có Pouchen, Pouyuen, HongFu…; ngành sản xuất – chế biến có Vedan, SYM, Taya… Và không thể không nhắc tới dự án bất động sản đã làm thay đổi cả một vùng đầm lầy ngập nước khu vực phía Nam của TP.HCM là Phú Mỹ Hưng.
Nhìn chung, những “đại bàng” của các lĩnh vực truyền thống giai đoạn này không chỉ thúc đẩy kinh tế, sản xuất và xuất khẩu cho nền kinh tế Việt Nam thời kỳ mới mở cửa, mà còn giải quyết số lượng lớn lao động ở các địa phương khu vực phía Nam.
Cho đến nay, các “đại bàng” trên vẫn tiếp tục mở rộng phát triển và không chỉ đơn thuần là doanh nghiệp chế xuất như những ngày đầu, mà có sự đầu tư liên tục cho hoạt động nghiên cứu – phát triển, thậm chí nhiều tập đoàn đã đầu tư mở rộng và biến Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất tại nước ngoài lớn nhất.
Đơn cử, tại Tập đoàn SYM, nếu như những ngày đầu, các nhà máy tại Việt Nam chỉ đơn thuần lắp ráp các linh kiện từ Đài Loan chuyển sang, thì từ hơn 1 năm qua, 100% linh kiện đã được sản xuất tại Việt Nam với tỷ lệ nội địa hóa lên tới trên 90%; 100% sản phẩm xuất khẩu của SYM cũng được sản xuất tại Việt Nam.
Trong những năm gần đây, xung đột địa chính trị giữa các nước lớn đã khiến Việt Nam có ưu thế lớn trong mắt các nhà đầu tư bên ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Đài Loan. Một khảo sát của Bộ Kinh tế Đài Loan cho thấy, khoảng 18% các doanh nghiệp sản xuất truyền thống của Đài Loan đã bày tỏ sự quan tâm đến việc đầu tư vào Việt Nam.
Theo số liệu thống kê, tính đến cuối tháng 7/2024, các doanh nghiệp Đài Loan đã đầu tư 3.197 dự án tại Việt Nam (còn hiệu lực), với tổng vốn đăng ký trên 40,3 tỷ USD. Đài Loan đứng thứ 4 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam.
Và hiện nay, các “đại bàng” Đài Loan trong các ngành nghề truyền thống – đã có mặt tại Việt Nam từ lâu – vẫn tiếp tục tận hưởng thành quả đầu tư suốt hơn 30 năm qua. Khi lao động giá rẻ không còn quá chiếm ưu thế, thì những chính sách ưu đãi, cơ hội mở rộng thị trường do hàng chục hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) quý giá giữa Việt Nam với EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… mang lại đang trở thành một lợi thế lớn của Việt Nam, mà không quốc gia nào trong khu vực có được.
Làn sóng điện tử – công nghệ
Nếu như những năm 2000, làn sóng đầu tư từ Đài Loan sang Việt Nam chủ yếu tập trung ở các tỉnh phía Nam, với nhiều “đại bàng” trong các ngành dệt may, da giày, chế biến, như Eclat, Pouchen, SYM, Vedan…, thì sau chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, làn sóng này có sự dịch chuyển rõ rệt ra các tỉnh phía Bắc và tập trung chủ yếu trong các lĩnh vực điện tử, công nghệ, với hàng loạt tên tuổi lớn, như Foxconn, Pegatron, Wistron, Qisda, Compal, Quanta…
Thực tế, một số tập đoàn điện tử – công nghệ của Đài Loan, như Foxconn, Compal… đã xuất hiện tại Việt Nam từ những năm 2007, nhưng vì nhiều lý do, nên chỉ đầu tư dự án có quy mô rất nhỏ, mang tính “điểm danh”. Tuy nhiên, kể từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung năm 2017 đến nay, các tập đoàn trên cũng như nhiều “đại bàng” Đài Loan khác đã tăng tốc đầu tư và mở rộng hoạt động sản xuất tại Việt Nam.
Cho đến nay, 10/13 tập đoàn điện tử – công nghệ Đài Loan nằm trong top 100 công ty công nghệ lớn nhất thế giới đã có dự án đầu tư tại Việt Nam. Chẳng hạn, Foxconn, Pegatron, Wistron, Qisda, Inventech, Compal, Quanta, Liteon… đã và đang góp phần biến các địa phương khu vực phía Bắc dần trở thành hệ sinh thái sản xuất công nghệ của Việt Nam. Không chỉ vậy, các sản phẩm, linh kiện điện tử được các tập đoàn này sản xuất ở Việt Nam đang ngày càng trở nên quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có chuỗi cung ứng cho Apple.
Kể từ sau đại dịch Covid-19, bất chấp sự chững lại của các doanh nghiệp điện tử, công nghệ Nhật Bản, Hàn Quốc, những “đại bàng” công nghệ còn lại của Đài Loan đã lần lượt đổ bộ vào Việt Nam. Trong số đó, có thể kể đến dự án của tập đoàn sản xuất máy tính lớn nhất thế giới Quanta tại tỉnh Nam Định, dự án của Tập đoàn Compal tại tỉnh Thái Bình… Nhờ vậy, vốn đầu tư từ Đài Loan vào Việt Nam trong hai năm 2022 và 2023 đã ghi nhận những kỷ lục mới trong thập kỷ vừa qua.
Cũng trong hai năm qua, mặc dù các nhà sản xuất điện tử Đài Loan có tăng cường thâm nhập các quốc gia khác như Thái Lan, Indonesia và Ấn Độ, nhưng Việt Nam vẫn là sự lựa chọn hàng đầu. Giới phân tích cho rằng, Việt Nam có một “điều kiện quan trọng” mà các quốc gia khác thiếu, đó là vị trí gần với Trung Quốc – công xưởng sản xuất lớn nhất của thế giới.
Với vị trí thuận lợi này, các nhà sản xuất ở Việt Nam có thể dễ dàng nhập khẩu bất kỳ linh kiện, thiết bị hoặc nguyên liệu nào từ Trung Quốc, bằng mọi loại hình vận tải thông dụng nhất hiện nay, bao gồm đường bộ, đường thủy và đường không trong thời gian ngắn nhất. Mặt khác, các sản phẩm được sản xuất từ Việt Nam cũng dễ tiếp cận thị trường khổng lồ Trung Quốc.
Một sức hút khác của Việt Nam liên quan đến các FTA mà Việt Nam đã ký kết, bao gồm Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) và đặc biệt là FTA lớn nhất thế giới là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Điều này đặc biệt hữu ích cho các công ty trong ngành điện tử, công nghệ của Đài Loan.
Hết “đại bàng”, đón “bồ câu, chim sẻ”
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 7 tháng đầu năm 2024, vốn đầu tư từ Đài Loan đạt 1,184 tỷ USD, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy vậy, trong số này, ít có dự án lớn từ các “đại bàng” điện tử – công nghệ nêu trên.
Để đạt được mục tiêu hợp tác với “bồ câu, chim sẻ” Đài Loan, thì các doanh nghiệp trong nước cần khẩn trương có sự chuẩn bị và thay đổi mạnh mẽ, nhất là trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, làm sao không chỉ đáp ứng được nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp trong nước, mà còn đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp Đài Loan nói riêng và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nói chung.
Có chăng, lớn nhất là phần đầu tư của Tập đoàn Foxconn. Tháng 7/2024, Foxconn đã đầu tư hai dự án với quy mô 550 triệu USD ở Quảng Ninh. Trước đó, tập đoàn này cũng đầu tư một dự án hơn 380 triệu USD ở Khu công nghiệp Nam Sơn – Hạp Lĩnh (Bắc Ninh). Trong khi đó, Tripod Technology đầu tư một dự án 250 triệu USD tại Khu công nghiệp Châu Đức ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Những khoản đầu tư trên một lần nữa chứng tỏ sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam đối với các tập đoàn Đài Loan. Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ về các dự án của Đài Loan trong 7 tháng qua, có thể thấy, quy mô các dự án không lớn. Nếu là các dự án lớn, vẫn thuộc về các tập đoàn lâu nay đã đầu tư lớn vào Việt Nam.
Trong danh sách 13 tập đoàn điện tử – công nghệ Đài Loan trong top 100 công ty công nghệ lớn nhất thế giới, chỉ còn 3 tập đoàn trong lĩnh vực bán dẫn chưa xuất hiện tại Việt Nam là TSMC, UMC và ASE. Việt Nam đang mong muốn phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và chắc chắn, rất muốn thu hút đầu tư từ các “ông lớn” này.
Tuy nhiên, trong bối cảnh và điều kiện hiện tại, cơ hội để 3 “đại bàng” trong lĩnh vực bán dẫn này đầu tư sang Việt Nam có thể nói là không khả thi. Tức là về cơ bản, có thể sơ bộ nhận định rằng, trong ngắn hạn, Đài Loan đã… hết “đại bàng” mà Việt Nam có thể thu hút được. Nhưng hết “đại bàng”, thì vẫn còn “bồ câu, chim sẻ”.
Hệ thống doanh nghiệp của Đài Loan được cấu thành trên cơ sở 97% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, các ngành nghề, lĩnh vực được phân công chi tiết và phân khúc rõ ràng. Ngay cả ngành sản xuất ốc vít, một trong những “sản phẩm” được cho là đơn giản nhất, nhưng cũng phân ra thành 2 nhóm sản xuất, bao gồm: đầu nguồn (gồm doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu kim loại để làm ốc vít) và hạ nguồn (là các doanh nghiệp gia công ra các loại ốc vít từ nguyên liệu kim loại). Chính những con ốc vít thành phẩm này lại là sản phẩm “đầu nguồn” của một loại thiết bị, linh kiện nào đó… Và chính sự gắn bó chặt chẽ đó đã tạo nên một ngành công nghiệp sản xuất và công nghiệp phụ trợ hàng đầu thế giới như Đài Loan.
Trong giới sản xuất điện tử – công nghệ Đài Loan, có một định nghĩa là “open cluster” (hiểu nôm na là chuỗi cung ứng mở). Theo đó, mỗi thiết bị, sản phẩm điện tử – công nghệ hiện nay có hàng trăm, hàng ngàn linh kiện nhỏ bên trong, các “đại bàng” chỉ thiết kế để làm sao ráp nối được các linh kiện trên thành một khối sản phẩm hoàn chỉnh, chứ ít khi tự sản xuất tất cả.
Các “đại bàng” điện tử – công nghệ Đài Loan cũng có sự khác biệt là sử dụng nhiều doanh nghiệp phụ trợ bên ngoài, không như một số “đại bàng” lĩnh vực này của Hàn Quốc – chỉ sử dụng doanh nghiệp phụ trợ trong hệ sinh thái tập đoàn. Do đó, việc hàng trăm, hàng ngàn doanh nghiệp phụ trợ là “bồ câu, chim sẻ” của Đài Loan có thể sang Việt Nam cùng “đại bàng” tiếp tục là xu thế chủ đạo trong thời gian tới.
Đây cũng là cơ hội rất tốt cho những doanh nghiệp phụ trợ Việt Nam, nhất là khối doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các doanh nghiệp này có thể thông qua việc hợp tác sản xuất, trở thành nhà cung ứng cho những “bồ câu, chim sẻ” Đài Loan, từ đó nâng cao trình độ công nghệ, kinh nghiệm quản lý và mở rộng năng lực sản xuất hơn nữa.
Theo báo đầu tư