Số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan, cho thấy 7 tháng đầu năm, xuất khẩu dệt may đạt 23,9 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu rất khả quan trong bối cảnh thị trường dệt may toàn cầu vẫn chưa thực sự phục hồi, theo các chuyên gia mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD là có khả thi.
Lần đầu trong năm vượt mốc 4 tỷ USD
Tập đoàn dệt may Việt Nam cho biết, theo số liệu thống kê của Tổng cục hải quan, kim ngạch xuất khẩu dệt may trong tháng 7 đạt 4,29 tỉ đô la, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 7 tháng năm 2024, xuất khẩu dệt may đạt 23,9 tỉ đô la, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hàng xơ sợi dệt ước đạt 2,53 tỉ đô la tăng 3,5% so với cùng kỳ; hàng dệt may đạt 20,2 tỉ đô la, tăng 6,3% so với cùng kỳ; vải mảnh, vải kỹ thuật khác đạt 458 triệu đô la, tăng 18% so với cùng kỳ và nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày đạt 878 triệu đô la, tăng 11,4% so với cùng kỳ.
Hiện nay, Việt Nam xuất khẩu hàng dệt may sang 113 quốc gia và vùng lãnh thổ. Một số thị trường xuất khẩu chính ngành dệt may của Việt Nam là Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Cũng theo bản tin trên, các chuyên gia cho biết, dù kết quả xuất khẩu dệt may của Việt Nam có khả quan nhưng tình hình kinh tế thế giới đang có nhiều biến động, sẽ tác động đến các ngành hàng xuất khẩu, trong đó, có ngành dệt may. Do đó, các doanh nghiệp trong nước cần sự hỗ trợ kịp thời về thông tin của Thương vụ Việt Nam ở thị trường nước ngoài.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam đề nghị Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, nhất là tại những thị trường xuất khẩu lớn nắm bắt thông tin, có cảnh báo sớm để doanh nghiệp trong nước có biện pháp ứng phó.
Để đạt mục tiêu xuất khẩu của ngành là 44 tỷ USD trong năm nay, trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa phân khúc khách hàng, sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do mang lại.
Kỳ vọng cán mốc mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD
Từ nay cho đến cuối năm vào dịp cao điểm mua sắm, các doanh nghiệp đang nỗ lực đưa ra nhiều sản phẩm mới về chất liệu, mẫu mã, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của đối tác, để đạt mục tiêu xuất khẩu của ngành là 44 tỷ USD năm nay.
Chia sẻ của nhiều doanh nghiệp đang cho thấy nhiều điểm thuận lợi đáng chú ý. Đặc biệt, so với năm trước, năm nay đơn hàng xuất khẩu khá dồi dào. Trong bối cảnh thị trường ngày càng có yêu cầu cao hơn về tính bền vững, các doanh nghiệp dệt may đều đã có những chuẩn bị tốt nhất phục vụ cho nhu cầu này, đồng thời đây cũng là cách để các doanh nghiệp lựa chọn nhằm gia tăng giá trị cho các đơn hàng xuất khẩu.
Chính vì sự linh hoạt trong ký kết đơn hàng, chuyển đổi sản xuất nhanh nên mặc dù thị trường dệt may toàn cầu vẫn chưa thực sự phục hồi, ngành dệt may Việt Nam vẫn ghi nhận nhiều điểm sáng khác biệt, tăng trưởng hầu hết các thị trường xuất khẩu chủ lực.
Chia sẻ với báo chí mới đây, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), ông Lê Tiến Trường, cho biết: “Hết 7 tháng thì chúng ta đã có 6 thị trường mà có kim ngạch của 7 tháng trên 1 tỷ USD. Đó là Mỹ với cỡ đối khoảng gần 9 tỷ sau 7 tháng, châu Âu với Nhật Bản hết 6 tháng là được 2 tỷ. Trung Quốc và Hàn Quốc thì được khoảng 1,7 tỷ, chúng ta có thêm một thị trường mới đấy là thị trường của ASEAN với 1,5 tỷ trong 6 tháng đầu năm”.
Trong khi đó, phía đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho rằng vẫn còn dư địa để xuất khẩu dệt may bứt tốc những tháng cuối năm, do lượng hàng tồn kho của các đối tác nhập khẩu đã giảm đáng kể. Bên cạnh đó là chính sách lãi suất tại Mỹ và châu Âu hạ nhiệt được kỳ vọng sẽ kích thích sức cầu mua sắm cuối năm.
Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), ông Vũ Đức Giang thông tin: “44 tỷ USD là một cái kỳ vọng của năm 2024. Chúng ta đã cạnh tranh và đáp ứng được yêu cầu về giá, về thời gian giao hàng, về những đơn hàng sản xuất nhanh, rồi mã hàng nhỏ, kết cấu mặt hàng phức tạp hơn”.
Trong bối cảnh giá cước vận tải sang các thị trường châu Âu và Mỹ tăng cao và giá nhân công dệt may không còn ở mức rẻ, các chuyên gia khuyến nghị doanh nghiệp cần có một kế hoạch sản xuất bài bản, khoa học để đón được nhiều đơn hàng hơn nữa, tối ưu chi phí nhân công và đảm bảo giá thành cạnh tranh với các nước xuất khẩu dệt may khác.
Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ mới đây, Thủ tướng nhấn mạnh, cần củng cố các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống; mở rộng các thị trường mới như UAE, Mỹ Latinh; hỗ trợ doanh nghiệp chuẩn bị điều kiện, đáp ứng các tiêu chuẩn mới, tiêu chuẩn xanh, quảng bá, xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường tiềm năng và điều tra chống bán phá giá đối với hàng Việt Nam.
Ngành dệt may đã đi qua quá nửa chẳng đường, dù vẫn còn nhiều khó khăn, song với những kết quả khả qua trong những tháng đầu năm, cùng với sự nhanh nhạy trong nắm bắt các yêu cầu và sự linh hoạt thích ứng của doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường biến động, tin rằng mục tiêu đạt 44 tỷ USD xuất khẩu của ngành dệt may sẽ đáp ứng kỳ vọng.